Em là giáo viên dạy Anh ngữ, Anh ngữ hiện tại đang là môn học “hot” nhất ở thời điểm hiện tại, bởi nhiều lợi ích mà Anh ngữ đem lại quá lớn với các con song song với nhu cầu đó, phụ huynh bắt ép con mình học Anh ngữ, đứa thích thì không sao, đối với những đứa bướng lười học thì quả thật rất mệt.
Em là giáo viên dạy Anh ngữ, Anh ngữ hiện tại đang là môn học “hot” nhất ở thời điểm hiện tại, bởi nhiều lợi ích mà Anh ngữ đem lại quá lớn với các con song song với nhu cầu đó, phụ huynh bắt ép con mình học Anh ngữ, đứa thích thì không sao, đối với những đứa bướng lười học thì quả thật rất mệt.
Mệt với cả phụ huynh, học sinh và cô giáo. Tại sao lại nói vậy, Học sinh là đối tượng cần học nhưng lại không học, phụ huynh là cha mẹ lại luôn lo lắng thái quá hơn con, đẩy áp lực lên giáo viên, khiến giáo viên cũng khó xử.
Có bao nhiêu những hậu quả giáo dục thì đến đây bắt đầu lộ rõ không còn giấu diếm gì được nữa. Tất cả những thói quen xấu tốt của các con đến đây mới thấy rõ được tác hại. Thế nên cơ hội để quan sát các bạn ấy rất nhiều. Em không nói nhóm thực sự nổi bật, nhóm học sinh ưu tú mà chỉ xin được trình bày trên số đông học sinh bây giờ thì có vài điểm sau đây:
Học không mục tiêu, không ham thích. Em không dám dùng từ say mê nhé vì nói thật chúng ta có mấy người có được say mê, ươc mơ hoài bão to lớn gì nói chi đến trẻ con.
– Học không có phương pháp, cực kỳ thụ động
– Lười học, lười lao động, lười vận động
– Rất phụ thuộc vào công nghệ
– Nói bậy kinh hoàng (nhiều bố mẹ không biết con mình nói bậy đâu ạ).
– Tất nhiên cũng rất nhiều ưu điểm nhưng vì mục đích bài này của em là nói về chuyện lười học, nguyên nhân và cách khắc phục nên em tạm không bàn tới mấy vấn đề khác ạ.
Vậy nguyên nhân ở đây là gì
Có rất nhiều nguyên nhân đơn giản nhất là gì lối tư duy của chính bố mẹ “thi gì học nấy”, Phải học môn này môn kia vì … , quá thực dụng trong các mục tiêu học tập của con dẫn tới chuyện rất coi trọng điểm số, coi trọng kết quả mà rất ít coi trọng các kĩ năng, các phương pháp cần được hình thành trong quá trình học cũng như coi trọng tới sự phát triển đời sống tinh thần của con. Chính lối tư duy này đẩy con chúng ta vào việc học mà không ham, không có hứng thú tìm tòi, thiếu đi sự chủ động và rất dễ nản.
Khiến con không có hứng thú học hay quá mệt mỏi về học hành, học cho bố mẹ, không phải học cho bản thân con.
Từ bé đã không được rèn thói quen làm việc, học tập hàng ngày. Khoan hãy bàn tới việc là phải có lý tưởng, phải yêu lao động, phải chăm chỉ học hành vì việc học quan trọng, phải đọc sách vì sách rất bổ ích phải học tiếng anh để có IELTS đi du học, xét đại học, sau này xin việc A, B, C… Có rất nhiều thứ mà người lớn chúng ta nhận thức được là nó tốt, nó cần nhưng chúng ta vẫn không làm được. Bởi vì không đơn giản để có bản lĩnh và nỗ lực đâu các bác ạ. Nhưng thói quen thì có thể. Nó sẽ trở thành vô thức mà chính ta không hay biết.
– Không có phương pháp học tập nên học rất mất sức, nhất là với ngoại ngữ em dậy, 1 thứ ngôn ngữ mới, rất khó để con có hứng thú theo học, tập trung học và nghi nhớ các từ ngữ, phát âm khác so với tiếng mẹ đẻ khiến con mệt mỏi mà không hiệu quả dẫn đến chán học, học không hứng thú. Càng chán thì thường lại càng học đuối, càng đuối thì càng ngại học, lười học, càng lười học thì kết quả càng thấp, bố mẹ càng sốt ruột càng ép học và trở thành một vòng luẩn quẩn.
– Không có động lực. Cái này không chỉ ở các em mà có lẽ ở cả một thế hệ do sự thay đổi của xã hội. Ngày xưa sự phân tầng rất rõ ràng bạn nào không học thì đuối hẳn và đi làm nghề từ rất sớm, bạn nào học thì cứ học. Nghĩa là lười học thì phải chăm làm. Ngày nay, đời sống xã hội thay đổi, xã hội hưởng thụ, xã hội tiêu dùng, cha mẹ ít con, đời sống vật chất được nâng cao,… đã khiến các con không thấy được rõ sự được mất nếu không chăm chỉ, không nỗ lực. Các con rất dễ dàng có được thứ mình muốn và lại quá ít trả giá nếu ko chăm chỉ. Đặc biệt việc vào đại học quá dễ, cơ chế xã hội khiến các em nhìn thấy nhiều tấm gương kiếm tiền dễ dàng, cuộc sống xa hoa càng khiến các em ít đi động lực.
Bố mẹ thích nhưng mình có thích đâu?
-Quá nhiều thứ để học, quá nhiều kì vọng của cha mẹ, quá nhiều áp lực,… ngoài học không có nhiều lựa chọn khác, ít được tiêu hao, giải phóng năng lượng vào thể thao vận động để đầu óc sảng khoái. Ngoài học văn hóa còn phải lo đủ các loại ngoại khóa,…
– Có nhiều thứ để phân tâm hơn. Công nghệ, mạng xã hội, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, các quán ăn vặt của thanh thiếu niên, chuyện yêu đương phát triển hơn thế hệ chúng ta ngày xưa,… quá nhiều thứ mở ra trước mắt thú vị và không mệt như học.
Vậy cách khắc phục ở đây là gì:
Rèn các thói quen tốt từ bé:
Ngồi vào bàn học vào một giờ cố định. Kể cả khi bé chưa đi học tầm 4 tuổi là có thể tập rồi. Đến đúng một giờ nào đó trong ngày (thường là buổi tối để hợp với lịch học sau này) là ngồi vào bàn học. 15-30 phút cũng được, ngồi từ tô màu, đọc truyện, xem tranh đến sau này là làm bài cô giao. Bố mẹ cũng phải thu xếp sinh hoạt gia đình sao cho giờ đó là con ngồi vào bàn.
Và duy trì thói quen này một cách kiên trì.
Trước tiên là hoàn thành đủ lượng bài tập được giao.
Nếu cô cho bài quá nhiều thì con sẽ tự biết lo làm dần trên lớp, tranh thủ ngay lúc đi học về.
+ Đọc sách, làm việc nhà, tự phục vụ cá nhân từ bé,…
Đối với bố mẹ muốn hướng cho con học anh ngữ, cho con nghe nhiều xem nhiều các phim, bài hát tiếng anh, hoặc các truyện tranh tiếng anh, em thấy có 1 mẹo rất hay mà nếu kỹ năng nghe của con tốt là cho con nghe kể chuyện bằng tiếng anh trước khi đi ngủ. Tạo thói quen tốt cho con từ bé, cho con gần gũi hơn với ngoại ngữ thay vì việc ép buộc con học khi con lớn.
Gần gũi chia sẻ chứ không làm hộ!
Bố mẹ cần:
+ Chú ý tới quá trình hơn chỉ nhìn vào kết quả. Nếu chú ý vào quá trình thì sẽ rèn con được nhiều kĩ năng hơn, sẽ chú ý hướng dẫn con về phương pháp hơn, sẽ bớt gây áp lực hơn và thường quá trình tìm hiểu mang lại hứng thú hơn
+ Cùng con xây dựng mục tiêu phù hợp và theo từng giai đoạn, thậm chí từng ngày. Ví dụ ngày hôm này học toán ở nhà, giải 5 bài tập, rồi kế hoạch xa hơn. Đặt kế hoạch nhưng cho con khoảng tự do để thực hiện. Ví dụ ngày hôm này là gần đó lượng công việc nhưng con được quyền sắp xếp để giải quyết nó. Bố mẹ nên cố kiểm soát cảm xúc của mình, nói ít lại, ít chỉ trích, càm ràm. Mục tiêu nên gần, dễ rồi nâng lên khó dần. Các bác lưu ý là nên cùng con xây dựng nó chứ không phải là chúng ta đặt mục tiêu cho chúng.
+ Tôn trọng những xúc cảm của con. Thật ra lười thì thích hơn chăm, chăm vất vả và mệt lắm. Nên nếu không có động lực từ bên trong không dễ để chăm chỉ. Nên chúng ta đừng đòi hỏi con mình nó phải hoàn hảo, phải chăm học, chăm làm cái gì cũng giỏi. Nếu có hôm, có đợt con chưa chăm thì nên tìm hiểu nguyên nhân, quan sát con kĩ càng xem vì sao tự dưng lười rồi hỗ trợ con.
+ Tạo cho con động lực. Động lực không chỉ là phần thưởng. Động lực nhiều khi ở sự ghi nhận của bố mẹ, ở những lời khen, động viên, ở quá trình. Nhiều khi em nghĩ là ngày xưa vì sao mình sợ bị bố mẹ mắng, mình ko làm nhiều việc là vì sợ bố mẹ. Bố mẹ mắng thì ngồi nghe một tí cứ bỏ ngoài tai rồi cũng qua mà, bố mẹ đánh cũng đau một tí thôi, sao mình lại sợ thế. Nghĩ mãi em biết nhiều khi mình chấp hành tốt mọi việc là do lòng tự trong chứ không chỉ vì sợ hậu quả. Tại sao mình lại có sự tự trọng đó vì ý thức về bản thân. Tại sao mình lại có ý thức về bản thân một phần là do bố mẹ tôn trọng mình đấy ạ. Vì thế em cũng cho rằng bố mẹ nên tôn trọng con, tôn trọng dân chủ nhưng có trật tự thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về khâu tự giác.
+ Hiểu được tâm lý lứa tuổi. Có những tuổi con rất phụ thuộc vào mình, con đang tìm hiểu thế giới nên cái gì cũng cần chúng ta phải giải thích cho có tình có lý con mới nghe. Nhưng đến tuổi lớn hơn các bác mà ngồi phân tích lí tình càng hay con các bác càng bảo các bác bônsevich không hiểu chúng. Đến lúc đó nói ít mà đơn giản, thông điệp rõ ràng, để con lựa chọn, chủ yếu chỉ ra biện pháp hành động.
+ Quan trọng nhất hiểu con và trung thực với mục tiêu, mong muốn của mình. Chỉ định hướng cho con, thay vì ép buộc con
Cần hiểu sự biến động tâm lý theo lứa tuổi của con
Không hiểu sao mà khi viết thì dài dòng mà vẫn không hết được điều em đã nghĩ. Thôi tạm thế các bác ý kiến em trao đổi cũng là quá trình để em nói được kĩ hơn.